Trong đạo Phật, "đạo" là con đường,
"Phật" là giác ngộ. Thực hành lời Phật chỉ dạy đi con đường
giác ngộ giải thoát, đó mới là tu.
Người xuất gia mang trọng trách dìu dắt Phật tử cho
nên đường hướng phải nắm cho thật vững. Hiểu lờ mờ, thực hành không đến nơi đến
chốn, hướng dẫn người khác lệch đường, công đức không có, lại trở thành tội. Phật
tử cũng cần biết định hướng tu hành cho đúng đắn để đạt lợi lạc cho bản thân,
gia đình và xã hội.
Trước tiên, chúng tôi nhận định đạo Phật không
phải là một tôn giáo. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc vì sao
chúng ta cũng thờ cúng lễ lạy nhưng không phải là tôn giáo?Lời phán dạy của đấng
tối cao, phải quý kính tuân hành không thể sai khác. Đó gọi là tôn giáo. Đệ tử
Phật tôn kính Đức Bổn Sư vì sự hướng đạo của Ngài đem đến lợi ích trong hiện tại
và tương lai.
Khái niệm về con đường giác ngộ
"Lâu nay chúng ta nghĩ rằng ngồi thiền, bỗng
dưng hôm nào đó phát hào quang sáng rực, biết được quá khứ, vị lai là giác ngộ.
Quan niệm như vậy là sai lầm, không phải mục tiêu đúng đắn của người đệ tử Phật.
Ý nghĩa chữ giác ngộ rất rõ ràng: Hiểu sai sự thật là mê, biết đúng như thật là
giác ngộ. Cho nên trọng tâm của đạo Phật là phải thấy đúng lẽ thật".
Theo cách nhìn của chúng tôi, “đạo” là con đường,
“Phật” là giác ngộ. Thực hành lời Phật chỉ dạy đi con đường giác ngộ
giải thoát, đó là tu. Mê lầm là nguồn gốc của mọi đau khổ. Muốn hết khổ thì phải
tìm ra con đường giác ngộ, từ đó đi đến giải thoát sanh tử. Mục tiêu của đạo Phật là cứu khổ,
đưa chúng sanh từ bờ mê lên bến giác. Nếu chưa giác ngộ thì chưa thể giải
thoát.
Đặt câu hỏi giác ngộ điều gì là tối yếu? Đạo Phật
nhắm thẳng vào con người. Thấy thân thật, thân quý là mê. Biết nó không thật,
giả tạm gọi là giác. Người xuất gia cạo tóc cho xấu, mặc đồ lam lũ cho xấu thêm
chút nữa, ăn uống đạm bạc không quá chú trọng chăm sóc cơ thể. Cho nên phải
giác ngộ mới can đảm xuất gia. Dù vậy cũng chỉ là giác ngộ bên ngoài.
Con đường giác ngộ ở chùa
Vào chùa thời gian đầu chúng ta chưa thể giác ngộ hết
những điều Phật dạy đâu, còn mù mờ lắm. Bởi vì chỗ hết sức thiết yếu chúng ta lại
không dám nhìn nhận.Cuộc đời này, thân mạng này là không thật, mà thiên hạ cho
là thật. Như trong gia đình có người thân bệnh chết, những vị còn lại than khóc
não nề, họ không chấp nhận được. Điều này xưa nay như thế, ai không chấp nhận
thì khổ. Người hiểu sự thật ấy thì bình thường trước mọi được mất đổi thay.
Vì vậy người trí khi nhìn thấy thân nhân từ giã cuộc
đời ra đi biết rằng lúc nào đó cũng đến lượt mình. Người lớn tuổi đi trước.
Mình nhỏ hơn sẽ đi sau. Có khi người nhỏ tuổi đi trước, chúng ta càng giật mình
tỉnh lại, nhớ rằng người ta giả thì mình thật sao được. Đó là tỉnh giác. Hằng
nhớ như vậy thì xuất gia, tại gia tu đều lợi lạc.
Người thế gian cho rằng thân mình là thật nên giành
giật danh lợi, tài sắc, gây tội chịu khổ trầm luân muôn kiếp. Nếu thấy giả thì
những điều làm thương tổn, phiền hà người khác nhất định không làm. Được như vậy
việc tu rất dễ dàng, nhanh tiến. Ngược lại nếu lầm tưởng thân là thật, dù ham
tu nhưng rồi cũng muốn thọ hưởng, rốt cuộc chẳng tu tới đâu.
Con đường giác ngộ cho ta thấy cuộc đời tạm bợ nên xuất gia cầu
giải thoát sanh tử. Con đường đã vạch sẵn, những ngăn trở, chướng ngại đều nhất
định vượt qua. Quả quyết như vậy nên ngày nào còn có mặt thì phải nỗ lực tu.
Luôn luôn tỉnh giác thấy thân giả, lời nói giả, cuộc đời cũng giả thì sự tu dễ
biết chừng nào. Lời khen tiếng chê chung quanh chỉ là trò chơi. Không có gì
đáng để bận tâm, phiền lòng.
Cho nên nghèo
cũng không khổ, làm bao nhiêu chi dùng bấy nhiêu, sống qua ngày. Bề ngoài khó
coi một chút cũng không quan trọng.Thân không thật, đẹp xấu cũng không thật, có
gì buồn.Chỉ một câu kinh chúng ta thấu suốt, chịu ứng dụng tu thì mọi khổ ách đều
qua.
Đạo Phật đặc biệt hướng dẫn hành giả phải giác ngộ,
không nên tin một cách mù quáng. Thông hiểu lời Phật dạy, áp dụng trong cuộc sống
đạt được lợi lạc, đó là biết tu. Nhận rõ thân không thật, giả có, là chúng ta
đã giác ngộ lẽ thật về thân.
Con đường giác ngộ ở tâm
Lâu nay người ta lầm nhận rất nhiều về
tâm, đa số người chấp suy nghĩ là tâm mình. Giác ngộ về thân dường như khó
nhưng phân tích ra lại dễ. Giác ngộ về tâm rất sâu kín, khó thấy. Như trong đầu
chúng ta có bao giờ được năm phút yên lặng không hề suy nghĩ đâu. Hết nghĩ chuyện
này đến nghĩ việc kia, liên tục không ngừng nghỉ. Dòng nghĩ suy liên tục như nước
trôi qua mất hút không tồn tại, không chỗ nơi lại chấp là tâm mình.
Tu thiền bắt phải ngồi nghiêm trang, đau chân gần chết
vẫn phải chịu đựng một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ. Đó là để tự mình khắc phục
cho được sự khó khổ trên thân. Thân cực khổ vẫn dễ thắng hơn tâm. Trong đầu
lăng xăng muốn ngừng nhưng vẫn cứ chạy, nắm cái này nó tuột qua cái kia, không
dừng bao giờ. Vọng tưởng là bóng dáng của các trần đã ghi sâu trong tàng thức,
sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào, không thể ngăn cản, ngừa đón. Thực sự muốn
thắng tâm vọng tưởng trước phải thắng thân. Hàng phục thân thành công mới có khả
năng hàng phục tâm. Thân nhọc nhằn một chút chịu không nổi, sẽ không bao giờ
hàng phục nổi tâm.
Phật dạy về con đường giác ngộ
Tổ dạy ngồi yên tịnh, tâm lặng thì trí sáng, từ đó sống trở lại với
bản tánh sẵn có của chính mình. Nhưng làm sao để những vọng tưởng đảo điên dừng
lặng?
Nhiều vị hiểu lầm ngồi thiền là diệt vọng. Sự thực,
vọng hư dối, nó đâu có thật mà diệt, nên tôi chủ trương “Biết vọng”. Thấy biết
nó giả dối chỉ cần không chạy theo, không bị dẫn. Khi tâm hiện lên một bóng giả,
biết giả không thèm theo, nó tự lặng, trở về bản thể. Câu kệ đánh thức thiền giả
đừng nhầm lẫn thấy vọng liền diệt, không vọng lại cố tìm để diệt. Vọng lặng thì
chân hiện, đầy đủ không cần tìm kiếm.
Người tỉnh giác thấy các pháp thế gian tánh Không,
duyên hợp giả có, tạm bợ, huyễn hóa nên không sợ hãi muốn trừ bỏ. Đó là thấy biết
bằng trí tuệ. Như người tỉnh táo đâu bao giờ cầm dao đâm bóng mình cho chết. Chỉ
có kẻ ngu si không biết bóng là giả, mới cố công diệt bóng. Biết các pháp huyễn
hóa thì những hồi tưởng buồn vui thương ghét dấy khởi, chúng ta chỉ cười, tự
nhiên nó lặng.
Nếu biết tâm tánh không tướng mạo,
Lặng yên chẳng động tự như như.
Tất cả tướng mạo của vọng tâm đều hư dối. Chân tâm bản
tánh không hình tướng nhưng hằng tri. Buông xả đến một lúc tâm lặng yên, tự nó
như như. Tâm tánh luôn sẵn đó nên một khi sạch hết vọng tưởng, nó liền hiện bày
đầy đủ.
Kết thúc lại, chúng ta nhờ Thế Tôn chỉ đường, hành
theo lời Ngài dạy đi đến đích con đường giác ngộ giải thoát. Đó là con đường của đạo Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét